Sau khi khoét chóp cổ tử cung nên ăn gì và cần kiêng gì?

Viêm cổ tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị

Khoét chóp cổ tử cung là gì? Khi nào nên thực hiện?

Phụ nữ bị viêm cổ tử cung có mang thai được không?

Mẹo dân gian chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung tại nhà bạn nên thử

Viêm cổ tử cung mãn tính có chữa được không? Có nguy hiểm không?

Cắt Leep cổ tử cung là gì? Theo dõi và chăm sóc sau khi cắt Leep

Viêm cổ tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị

Viêm cổ tử cung là bệnh lý khá phổ biến ở nữ giới. Bệnh thường xảy ra do nhiễm vi khuẩn, virus, nấm hoặc do một số nguyên nhân không nhiễm trùng. Tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc hoặc can thiệp các thủ thuật như áp lạnh, nhiệt trị liệu, laser.

bệnh viêm cổ tử cung có nguy hiểm không
Bệnh viêm cổ tử cung có nguy hiểm không? Điều trị bằng cách nào?

Viêm cổ tử cung là gì? Có lây không?

Viêm cổ tử cung là tình trạng niêm mạc ở cổ tử cung bị viêm và tổn thương. Cổ tử cung nằm ở vị trí tiếp giáp giữa âm đạo và buồng tử cung. Do đó, hiện tượng viêm nhiễm ở vị trí này có thể lây lan rộng và gây ra nhiều biến chứng nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời. Thống kê cho thấy có từ 10 – 20% trường hợp chuyển biến thành viêm vùng chậu.

Viêm cổ tử cung có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều nhất ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản (từ 20 – 35 tuổi) đã quan hệ tình dục. Bệnh lý này thường xảy ra do nhiễm virus, nấm và vi khuẩn, trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là lậu cầu (Neisseria gonorrhoeae) và Chlamydia trachomatis chiếm khoảng 75%. Ngoài ra bệnh cũng có thể khởi phát do một số nguyên nhân khác.

Nếu nguyên nhân do nhiễm trùng, bệnh có khả năng lây nhiễm qua đường tình dục khi đối tác không sử dụng bao cao su và một số biện pháp bảo vệ. Trong trường hợp mẹ bầu mắc bệnh, vi khuẩn, virus và nấm có thể lây nhiễm cho thai nhi gây ra tình trạng sảy thai, sinh non, trẻ sinh ra nhẹ cân và có nguy cơ bị mù lòa.

Triệu chứng của bệnh viêm cổ tử cung

Mức độ triệu chứng và biểu hiện lâm sàng của bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Thực tế cho thấy, viêm cổ tử cung do nhiễm trùng thường có triệu chứng điển hình, mức độ nặng và dễ nhận biết hơn so với các nguyên nhân khác.

Hình ảnh viêm cổ tử cung
Bệnh thường gây đau tức vùng bụng dưới, dịch tiết âm đạo ra nhiều, ngứa ngáy, đau khi quan hệ,…

Một số triệu chứng của bệnh viêm cổ tử cung ở phụ nữ:

  • Dịch âm đạo tiết nhiều bất thường, có kèm mủ và mùi hôi khó chịu
  • Có cảm giác hơi xót và rát sau khi tiểu tiện
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Ngứa ngáy và nóng rát khi tiểu
  • Xuất hiện máu trong dịch tiết âm đạo khi chưa đến kỳ kinh
  • Đau và chảy máu sau khi quan hệ
  • Có cảm giác nặng ở bụng dưới – đặc biệt là khi giao hợp

Ở một số trường hợp, viêm cổ tử cung có thể không gây ra bất cứ triệu chứng lâm sàng nào.

Phân loại viêm cổ tử cung

Dựa vào nguyên nhân khởi phát và thời gian tiến triển, bệnh viêm cổ tử cung được chia thành 2 loại chính sau:

1. Viêm cổ tử cung cấp tính

Viêm cổ tử cung cấp tính có xu hướng xảy ra đột ngột nhưng thuyên giảm nhanh. Bệnh thường xuất hiện sau khi sảy thai hoặc thời kỳ sau sinh do niêm mạc bên trong cổ tử cung bị lộn ngược vào âm đạo và bị nhiễm khuẩn.

So với giai đoạn mãn tính, viêm cổ tử cung ở giai đoạn cấp có triệu chứng nghiêm trọng hơn và có tính điển hình cao. Các triệu chứng thường gặp bao gồm khí hư có mủ và chất nhầy đi kèm.

2. Viêm cổ tử cung mãn tính

Viêm cổ tử cung mãn tính là tình trạng cổ tử cung bị sưng viêm kéo dài. Ở giai đoạn này, bệnh có thể không gây đau, ngứa hay khó chịu và thường xảy ra do các nguyên nhân không có khả năng lây nhiễm như kích ứng/ dị ứng bao cao su, băng vệ sinh, dung dịch vệ sinh vùng kín,…

Nguyên nhân gây viêm cổ tử cung

Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm cổ tử cung là do nhiễm virus, vi khuẩn và nấm. Ngoài ra, bệnh lý này cũng có thể xảy ra do dị ứng với bao cao su hoặc một số loại thuốc dùng ở âm đạo.

Nguyên nhân viêm cổ tử cung
Nhiễm lậu cầu là một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm cổ tử cung

Các nguyên nhân phổ biến gây viêm cổ tử cung, bao gồm:

  • Nhiễm trùng: Viêm cổ tử cung do nhiễm trùng thường xảy ra do vi khuẩn gây bệnh lậu, Chlamydia, Trichomonas, vi khuẩn Mycoplasma, virus gây mụn rộp (herpes simplex),…
  • Dị ứng, kích ứng: Tình trạng viêm sưng ở cổ tử cung cũng có thể xảy ra do dị ứng và kích ứng với bao cao su, dung dịch vệ sinh phụ nữ, hóa chất trong thuốc diệt tinh trùng, sử dụng băng vệ sinh dạng tampon, màng ngăn âm đạo, viên đặt âm đạo,…
  • Rối loạn hormone: Rối loạn hormone khiến hệ vi sinh trong âm đạo mất cân bằng, dẫn đến hiện tượng hại khuẩn tăng sinh quá mức. Số lượng vi khuẩn có hại tăng lên chính là nguyên nhân gây viêm nhiễm và tổn thương cổ tử cung. Nguyên nhân này thường gặp ở phụ nữ mang thai, sau khi sinh và sảy thai.

Ngoài ra, nguy cơ bị viêm cổ tử cung có thể tăng lên nếu có những yếu tố rủi ro sau:

  • Quan hệ tình dục quá sớm
  • Tiền sử mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục
  • Quan hệ tình dục không an toàn (không sử dụng bao cao su, quan hệ tập thể, quan hệ với những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh tình dục,…)
  • Vệ sinh vùng kín không đúng cách

Viêm cổ tử cung có nguy hiểm không?

Cổ tử cung nằm ở vị trí tiếp giáp giữa âm đạo và buồng tử cung có vai trò ngăn chặn virus, nấm và vi khuẩn xâm nhập. Do đó khi cơ quan này bị tổn thương, các tác nhân gây bệnh dễ dàng tấn công vào buồng tử cung và gây ra hiện tượng nhiễm trùng.

bệnh viêm cổ tử cung có nguy hiểm không
Nếu không được điều trị, viêm cổ tử cung có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới

Nếu không được kiểm soát, viêm cổ tử cung có thể gây ra các biến chứng sau:

  • Viêm vùng chậu: Viêm vùng chậu là biến chứng khá phổ biến (chiếm khoảng 10 – 20% trường hợp). Biến chứng này xảy ra khi virus, nấm và vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng buồng tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng. Viêm vùng chậu có mức độ nghiêm trọng và có thể để lại nhiều di chứng nặng nề nếu không được kiểm soát kịp thời.
  • Giảm khả năng sinh sản: Sau khi thâm nhập vào âm đạo, tinh trùng sẽ đi qua cổ tử cung và vào buồng tử cung. Tuy nhiên tình trạng viêm nhiễm có thể khiến không gian của cổ tử cung bị thu hẹp và khiến tinh trùng gặp khó khăn khi đi qua. Hơn nữa, hiện tượng viêm nhiễm ở cổ tử cung còn khiến môi trường trong âm đạo mất ổn định và gây chết tinh trùng trong thời gian ngắn.
  • Ảnh hưởng đến thai nhi: Một số tác nhân gây viêm cổ tử cung có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Vi khuẩn lậu cầu có khả năng gây sinh non (khoảng 8%), trẻ nhẹ cân, yếu ớt. Ngoài ra vi khuẩn cũng có thể lây cho trẻ trong quá trình sinh nở và gây viêm kết mạc mắt, giảm thị lực hoặc thậm chí gây mù lòa. Bên cạnh lậu cầu, vi khuẩn Chlamydia và một số loại virus khác cũng gây ra một số ảnh hưởng đối với thai nhi như nhiễm trùng nước ối, vỡ màng ối, sinh non,…
  • Tăng nguy cơ mắc các phụ khoa: Cổ tử cung có vai trò như vật cản nhằm bảo vệ buồng trứng, ống dẫn trứng,… Vì vậy khi cơ quan này bị viêm nhiễm, các tác nhân bên ngoài dễ dàng xâm nhập và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa.

Ngoài những biến chứng trên, viêm cổ tử cung còn ảnh hưởng đến chất lượng đời sống tình dục, gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống và ảnh hưởng đến tâm lý của nữ giới.

Chẩn đoán bệnh viêm cổ tử cung

Trong trường hợp xuất hiện các biểu hiện bất thường, nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời. Đối với bệnh viêm cổ tử cung, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và chỉ định một số chẩn đoán cận lâm sàng.

bệnh viêm cổ tử cung có nguy hiểm không
Chẩn đoán viêm cổ tử cung bao gồm thăm khám lâm sàng và xét nghiệm dịch âm đạo

– Thăm khám lâm sàng:

  • Bác sĩ sẽ sử dụng mỏ vịt để xem xét cổ tử cung và buồng tử cung
  • Viêm cổ tử cung có thể không gây ra triệu chứng lâm sàng hoặc gây ứ đọng huyết trắng có màu vàng/ xanh ở cổ tử cung. Cổ tử cung lộ tuyến (các niêm mạc bên trong cổ tử cung lộ ra bên ngoài), niêm mạc phù nề, viêm đỏ và dễ chảy máu khi chạm vào

– Cận lâm sàng:

  • Xét nghiệm huyết trắng lấy từ cổ tử cung nhận thấy có nhiều tế bào bạch cầu
  • Soi tươi và nhuộm gram âm dịch âm đạo để xác định nguyên nhân gây bệnh. Kỹ thuật này giúp xác định viêm cổ tử cung do trùng roi (Trichomonas), vi khuẩn, nấm, lậu và Chlamydia.
  • Xét nghiệm máu được thực hiện nhằm xác định kháng thể kháng vi khuẩn hoặc virus gây viêm cổ tử cung, đồng thời giúp loại trừ khả năng nhiễm HIV.

Trên thực tế, bác sĩ có thể chỉ định kèm theo một số kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng khác trong trường hợp cần thiết.

Viêm cổ tử cung và cách điều trị

Viêm cổ tử cung xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó điều trị bệnh lý này phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể.

Nếu xảy ra do bị kích ứng và dị ứng, bác sĩ thường không yêu cầu can thiệp điều trị. Hiện nay các phương pháp y tế chỉ được chỉ định đối với viêm cổ tử cung xảy ra do nhiễm trùng.

1. Sử dụng thuốc trị viêm cổ tử cung

Thuốc được sử dụng để điều trị viêm cổ tử cung có tác dụng ức chế nấm/ vi khuẩn/ virus. Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định kết hợp với một số loại thuốc nhằm làm giảm triệu chứng do nhiễm trùng gây ra.

viêm cổ tử cung
Đối với viêm cổ tử cung do nhiễm trùng, điều trị chủ yếu là sử dụng kháng sinh, chống nấm và kháng virus

Thuốc sử dụng để điều trị viêm cổ tử cung do lậu cầu:

  • Dùng Cefixime 400mg/ lần
  • Hoặc Ofloxacin 400mg/ lần
  • Hoặc dùng Ciproxacin 500mg/ lần
  • Hoặc Levofloxacin 250mg/ lần
  • Các loại kháng sinh này chỉ được sử dụng 1 liều duy nhất
  • Trong trường hợp đang mang thai, sử dụng Ceftriaxone 125mg (tiêm bắp) 1 liều duy nhất

Thuốc được dùng để điều trị viêm cổ tử cung do Chlamydia:

  • Azithromycin 1g/ lần chỉ dùng 1 liều duy nhất
  • Hoặc Doxycyclin 100mg/ 2 lần/ ngày, sử dụng sau khi ăn liên tục trong 7 ngày
  • Hoặc Erythromycin 500mg/ 4 lần/ ngày dùng liên tục trong 7 ngày
  • Hoặc Tetracyclin 500mg/ 4 lần/ ngày dùng liên tục trong 7 ngày

Ngoài ra, cần điều trị cho bạn tình với Metronidazole 2g (1 liều duy nhất) để hạn chế nguy cơ tái nhiễm trong tương lai. Trong trường hợp viêm cổ tử cung gây đau nhiều, nóng sốt, mệt mỏi, có thể dùng phối hợp với Paracetamol hoặc một số loại thuốc chống viêm không steroid như Ibuprofen, Diclofenac, Naproxen,…

Trên thực tế, viêm cổ tử cung hiếm khi xảy ra do trùng roi, nấm và virus. Tuy nhiên nếu xảy ra do các nguyên nhân này, bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống nấm (Metronidazole, Ornidazol, Tinidazol) và kháng virus (Acyclovir, Isoprinosine).

Lưu ý: Chủ động thông báo với bác sĩ tình trạng bệnh lý, tiền sử dị ứng và lịch sử dùng thuốc để được chỉ định loại kháng sinh phù hợp. Đồng thời các chú ý các biểu hiện của cơ thể để kịp thời thông báo với bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường.

2. Can thiệp một số thủ thuật

Nếu viêm cổ tử cung xảy ra do kích ứng/ dị ứng kéo dài và gây ra nhiều phiền toái khi hoạt động tình dục, bác sĩ có thể chỉ định một số thủ thuật sau:

  • Áp lạnh: Biện pháp này sử dụng khí nito hóa lỏng để hóa đông nhằm phá hủy các mô niêm mạc sưng viêm. Quá trình này được thực hiện trong khoảng 3 phút, sau đó bác sĩ sẽ tiến hành rã đông và lặp lại quá trình hóa đông 1 lần nữa. Sau khoảng 2 – 3 tuần, mô tử cung sẽ bong dần và thoát ra bên ngoài cùng với dịch tiết âm đạo.
  • Nhiệt trị liệu: Kỹ thuật này sử dụng nhiệt nhằm phá hủy các mô niêm mạc bị viêm ở cổ tử cung. Trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ gây tê để làm giảm cảm giác khó chịu và làm sạch vùng kín nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Sau khoảng vài tuần, mô niêm mạc bị phá hủy sẽ được đào thải ra bên ngoài.
  • Liệu pháp laser: Liệu pháp này sử dụng tia laser có cường độ cao nhằm phá hủy các mô niêm mạc bị sưng viêm. Tương tự các thủ thuật trên, mô niêm mạc bị tia laser phá hủy có xu hướng đào thải ra bên ngoài qua âm đạo sau 2 – 3 tuần.

Các thủ thuật được áp dụng trong điều trị viêm cổ tử cung thường ít gây đau, thời gian hồi phục nhanh và có thể điều trị dứt điểm hiện tượng viêm ở cổ tử cung. Tuy nhiên các thủ thuật này có thể chảy máu kéo dài, nhiễm trùng và hình thành sẹo. Nếu nhận thấy dịch tiết có mùi khó chịu, kèm mủ hoặc chảy máu nhiều, nên thông báo với bác sĩ để được xử lý kịp thời.

3. Chế độ chăm sóc khoa học

Trong thời gian điều trị viêm cổ tử cung, nữ giới nên phối hợp với chế độ chăm sóc khoa học để hỗ trợ hiệu quả của phương pháp điều trị và giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu ở vùng kín.

viêm cổ tử cung
Nên uống nhiều nước, bổ sung rau xanh, trái cây và sữa chua trong thời gian điều trị

Cách chăm sóc khi bị viêm cổ tử cung:

  • Tuyệt đối không quan hệ tình dục trong thời gian điều trị và chỉ quan hệ trở lại khi bác sĩ cho phép. Đối với viêm cổ tử cung không lây nhiễm, hoạt động tình dục có thể gây kích thích niêm mạc và làm nghiêm trọng các triệu chứng.
  • Nên tránh sử dụng băng vệ sinh dạng tampon trong thời gian điều trị. Thay vào đó nên sử dụng băng vệ sinh dạng miếng để gây kích ứng lên niêm mạc cổ tử cung.
  • Xem xét các sản phẩm có khả năng gây kích ứng vùng kín như dung dịch vệ sinh, màng ngăn âm đạo, sữa tắm,… Trong trường hợp cần thiết, nên thay thế bằng các sản phẩm không chứa xà phòng, hương liệu và thành phần an toàn, dịu nhẹ.
  • Nên mặc quần lót có chất liệu cotton và thay quần lót thường xuyên để giảm số lượng vi nấm, trùng roi và vi khuẩn trong âm đạo.
  • Cần uống nhiều nước, bổ sung thêm rau xanh, trái cây và sữa chua nhằm làm loãng dịch tiết âm đạo và hỗ trợ quá trình đào thải vi khuẩn, mô niêm mạc cổ tử cung,…
  • Vệ sinh vùng kín 2 lần/ ngày với nước ấm hoặc các dung dịch vệ sinh dịu nhẹ và nên lau khô với khăn sạch trước khi mặc quần lót.

Đối với trường hợp viêm cổ tử cung do kích ứng nhẹ, chăm sóc đúng cách có thể kiểm soát hoàn toàn bệnh lý chỉ sau 5 – 7 ngày mà không cần can thiệp các thủ thuật xâm lấn.

Phòng ngừa viêm cổ tử cung ở phụ nữ tái phát

Viêm cổ tử cung ở nữ giới có nguy cơ tái phát cao. Vì vậy sau khi điều trị, nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

viêm cổ tử cung
Để phòng ngừa viêm cổ tử cung tái phát, nên vệ sinh cơ thể và vùng kín đúng cách
  • Thăm khám phụ khoa 1 – 2 lần/ năm để được kiểm tra vùng kín và điều trị khi có vấn đề bất thường.
  • Giữ vệ sinh vùng kín, đặc biệt là trước và sau khi quan hệ. Đồng thời nên sử dụng khăn giấy lau khô vùng kín sau khi tiểu tiện và đại tiện.
  • Không thụt rửa sâu vào âm đạo. Tình trạng này có thể vô tình đẩy vi khuẩn vào bên trong cổ tử cung và gây ra hiện tượng viêm nhiễm.
  • Cần sử dụng bao cao su và các biện pháp bảo vệ khi giao hợp để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Virus, nấm và vi khuẩn gây ra các bệnh lý này có thể tấn công và gây viêm nhiễm cổ tử cung.
  • Nên thay toàn bộ quần lót sau khi điều trị viêm cổ tử cung do nhiễm trùng. Hoặc có thể ngâm rửa với xà phòng và phơi dưới ánh nắng để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn, virus,…
  • Không mặc quần lót ướt hoặc mặc trang phục hầm bí, chưa được phơi khô hoàn toàn.
  • Thận trọng khi lựa chọn bao cao su, thuốc diệt tinh trùng, màng ngăn âm đạo, dung dịch vệ sinh vùng kín và sữa tắm.
  • Nữ giới nên cân nhắc tiêm ngừa một số chủng HPV (human papillomavirus) để hạn chế mắc các bệnh lây qua đường tình dục.
  • Trong trường hợp viêm cổ tử cung tái phát, nên đề nghị bạn tình cùng thăm khám để được điều trị triệt để và hạn chế tối đa nguy cơ tái nhiễm.
  • Rối loạn nội tiết tố có thể khiến các hại khuẩn có trong âm đạo phát triển mạnh và gây viêm nhiễm niêm mạc cổ tử cung. Vì vậy nên ăn uống điều độ, hạn chế căng thẳng, tập thể dục và nghỉ ngơi hợp lý nhằm cân bằng nồng độ hormone trong cơ thể.
  • Tăng cường bổ sung nước và một số nhóm thực phẩm lành mạnh như sữa chua, trái cây, rau xanh, ngũ cốc, các loại hạt,…

Viêm cổ tử cung là bệnh phụ khoa thường gặp. Nếu chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh có thể thuyên giảm hoàn toàn chỉ sau 2 – 4 tuần. Ngược lại, tình trạng chủ quan hoặc điều trị không đúng cách có thể dẫn đến viêm vùng chậu và các biến chứng nặng nề khác.

Tham khảo thêm: Bệnh huyết trắng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Cùng chuyên mục

Khoét chóp cổ tử cung và những thông tin cần biết

Khoét chóp cổ tử cung là gì? Khi nào nên thực hiện?

Để chẩn đoán hoặc điều trị ung thư cổ tử cung, khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện là một phương pháp thường được áp dụng. Tuy là một...

Phụ nữ bị viêm cổ tử cung có mang thai được không?

Phụ nữ bị viêm cổ tử cung có mang thai được không?

Bệnh viêm cổ tử cung ảnh hưởng không nhỏ đến thiên chức làm mẹ  của nhiều chị em. Trong một số trường hợp, viêm cổ tử cung mãn tính có...

Cắt Leep cổ tử cung là gì? Theo dõi và chăm sóc sau khi cắt Leep

Cắt Leep cổ tử cung là gì? Khái niệm này vẫn còn khá xa lạ với nhiều người, nếu nắm phương pháp này một cách cụ thể, bạn sẽ trở...

Nên ăn gì và kiêng gì sau khoét chóp cổ tử cung

Sau khi khoét chóp cổ tử cung nên ăn gì và cần kiêng gì?

Một chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp chị em sau khi thực hiện khoét chóp cổ tử cung nhanh chóng hồi phục, khỏe mạnh. Nhưng sau khi khoét...

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Ẩn